Cuộc đời kỳ lạ của cha đẻ
Xuân Tóc Đỏ
MỸ TRÂN
Hơn 70 năm sau ngày
thôi “ở trọ trần gian”, nhà văn Vũ Trọng Phụng, cha đẻ của những
nhân vật tiểu thuyết độc đáo bậc nhất thế kỷ XX như Xuân tóc đỏ, Thị
Mịch, Nghị Hách… vẫn để lại cho hậu thế vô vàn câu chuyện đầy ám ảnh
xoay quanh cuộc đời ngắn ngủi nhưng đặc biệt sống động của ông. Kỷ niệm
100 năm ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng (20/10/1912 - 20/10/2012),
gia đình, người thân, bè bạn và cả độc giả lại chia sẻ với nhau nhiều
hồi ức về ông, truyền tai nhau những giai thoại kỳ lạ về bậc tài
danh từng được xưng tụng “ông hoàng phóng sự đất Bắc”…
1.
Qua cổng làng Giáp Nhất
còn nguyên phong vị cổ, cái ồn ào náo nhiệt của phố phường Hà Nội bỗng
ngưng đọng, lùi lại phía sau. Hỏi đường vào nhà ông Nghiêm Xuân Sơn,
một người đàn bà đang lúi húi với bữa cơm chiều mau mắn chỉ dẫn. Đã
qua tuổi "xưa nay hiếm" từ lâu, ông Nghiêm Xuân Sơn trông vẫn
còn nhanh nhẹn, tráng kiện. Thành lệ, khách tìm đến nhà hỏi chuyện
văn chương, lại được ông đưa ra khu tưởng niệm của gia đình, viếng
phần mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng.
Làm rể nhà văn, lấy
bà Vũ Mỵ Hằng, người con gái duy nhất của Vũ Trọng Phụng từ năm
1956, ông Sơn đã cùng vợ phụng dưỡng chăm sóc cả bà nội vợ (mẹ nhà
văn Vũ Trọng Phụng) và mẹ vợ (cụ Vũ Mỵ Lương - vợ nhà văn).
Cũng sinh sống tại làng Giáp Nhất gần cầu Mọc, ông Sơn quen bà Hằng
khi bà mới 16 tuổi, rồi chờ cho đủ 18 tuổi là kết hôn. Từ đó, ông
Sơn đã cáng đáng trọng trách trau chuốt gìn giữ di sản văn chương
quý giá mà bố vợ mình - nhà văn Vũ Trọng Phụng để lại.
Theo ông Nghiêm Xuân
Sơn, nhà văn Vũ Trọng Phụng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng quê gốc
ở Mỹ Hào - Hưng Yên. Sinh thời, gia cảnh nhà văn rất nghèo, cái
nghèo "gia truyền" như lời nhà văn Ngô Tất Tố đã nói. Trong
bài viết có tựa đề "Gia thế ông Vũ Trọng Phụng" đăng trên
Tạp chí văn học Tao Đàn số tưởng niệm Vũ Trọng Phụng, có sự tham gia
của các cây bút lừng danh thời ấy như Tam Lang, Nguyễn Tuân, Lưu Trọng
Lư, Lan Khai, Trương Tửu, Thanh Châu, Nguyễn Triệu Luật, nhà văn Ngô
Tất Tố cảm thán: "Trong các nhà văn hiện thời, ông Phụng là người
nghèo lắm. Khác hẳn những ông Trần Tế Xương và Nghiêm Phúc Đồng,
cái nghèo của ông là thể nghèo "gia truyền" không phải
"nghèo lỏi". Những người hiếu danh thường hay giấu giếm
gia thế, nếu như tiền nhân của họ không có người nào hiển đạt. Ông
Phụng không có óc ấy. Chính ông kể cho tôi nghe tổ phụ của ông chỉ làm
lý trưởng, thân phụ ông chỉ là một người thường dân và đã tạ thế khi ông mới 7
tháng tuổi, tổ phụ ông mới ngoài 60. Ở nơi quê quán, ông không có một tấc đất cắm
dùi".
Ông Nghiêm Xuân Sơn kể,
ngay trước ngày Hội Nhà văn Việt Nam chính thức tổ chức lễ kỷ niệm
100 năm ngày sinh Vũ Trọng Phụng (ngày 22/10 vừa qua), con gái nhà
văn Ngô Tất Tố đã mang bản copy bài báo có tuổi đời hơn 70 năm đến tặng
gia đình ông. Nhà văn Ngô Tất Tố còn viết tiếp: "Tôi biết ông từ thời
làm Báo Công dân, cách đây độ 4, 5 năm chi đó. Hồi đấy có lẽ là hồi quẫn bách
nhất trong đời ông, vì rằng, ngoài làm Báo Công dân ông không còn chỗ
làm nào khác, mà Báo Công dân thì lại chỉ là cơ quan của một bọn anh
em nhà văn nghèo dúm rau dúm bếp làm với nhau, ít khi trả tiền in rồi
trong két có được tiền thừa mà trả cho người cầm bút.
Thế nhưng, ông cũng
không tỏ ra mình cần tiền. Mỗi khi ở Gia Lâm sang tòa báo, ông cứ cặm
cụi cuốc bộ đi, cuốc bộ về, hôm nào mỏi lắm mới lấy 5 xu đi xe. Một
điều quan trọng nữa là đời ông luôn thấy sự túng thiếu, nhưng không
lúc nào ông tự đem sự túng thiếu của mình mà làm phiền lụy người nào,
dù khi túng thiếu cực điểm cũng vậy".
Cái nghèo đeo bám,
khiến Vũ Trọng Phụng lao vào viết như một người nông phu đang vào vụ,
không thể ngơi tay vì sợ bỏ lỡ tiết trời. 27 năm cuộc đời, lăn lộn
vào chốn văn chương chừng 10 năm, ông đã kịp để lại cho hậu thế một
gia tài đồ sộ, hơn 30 truyện ngắn, 9 tiểu thuyết, 9 phóng sự dài, 7 vở kịch
và nhiều bài bình luận văn chương, xã hội sâu sắc… Lao lực do làm việc nhiều,
lại không có điều kiện để chăm sóc y tế kịp thời, Vũ Trọng Phụng mắc bệnh lao
phổi. Bệnh nặng, tự chữa trị thuốc thang ở nhà nên bệnh tiến triển
càng nhanh, ngay cả sức trẻ tuổi 20 cũng phải đầu hàng số mệnh.
Nhà văn Ngô Tất Tố
(1893 - 1954) - người bạn vong niên từng khóc thương cho số kiếp của
Vũ Trọng Phụng: "Ông đau từ mấy năm trước. Trước khi chết độ 6
- 7 tháng, ông đã có một đêm nguy kịch. Sáng sớm hôm sau ông cho gọi tôi
lên nhà thăm bệnh và nói cho tôi biết rằng: Chiều hôm trước một viên bác
sĩ chữa bệnh cho ông đã khuyên ông đi nhà thương. Trong đêm vừa rồi
ông đã làm sẵn mấy bản chúc thư. Ông bị đau phổi, vẫn sốt hâm hấp,
ho ra đờm đặc. Từ mấy bữa trước không thể gượng ngồi dậy mà chỉ nằm
được một bên sườn. Ho cũng đau, nói cũng đau, hễ trở mình thì trong
sườn nghe có tiếng óc ách.
Bấy giờ người ông tuy
đã tiêu nước, nhưng mạch hai tay vẫn còn có lực. Sau khi coi mạch và
hỏi các chứng, tôi kê cho ông bài "nhị thang trần" hợp bài
"nung thang" gia một lạng ý dĩ và dặn ông uống một ngày hai
thang. Sáng mai tôi lại lên thăm ông, ông khoe với tôi bệnh đã bớt
nhiều, có lẽ không chết. Từ đó ông uống mãi đơn ấy, tuy thỉnh thoảng
cũng thay đổi ít nhiều, nhưng đại thể vẫn không ngoài hai phương thuốc
trước. Một tháng sau ông đã dậy được, đã đến thăm tôi ở Báo Thời vụ.
Đau ngực, đau sườn, tiếng nước óc ách, khỏi cả, chỉ có cái sốt hâm hấp
không khỏi và sắc mặt ông vẫn xanh như người hết máu".
2.
Cầm cự được một khoảng
thời gian ít ỏi trong cảnh túng thiếu cùng cực, nhà văn Vũ Trọng Phụng
về cõi vĩnh hằng ngày 13/10. Bạn bè văn chương ngày ấy đã mô tả đám
tang ông một cách hết sức thê lương, ảm đạm trong một ngày thu trong
veo, đẹp trời. Ai cũng ái ngại cho gia đình của nhà văn, thương cảm
người vợ trẻ và đứa con gái duy nhất chưa đầy một tuổi.
Thi hài Vũ Trọng Phụng
được an táng tại nghĩa trang Thanh Xuân, sau này là khu vực mà người
dân Hà Nội quen gọi là Cao, Xà, Lá. Mất chồng khi tóc còn đương
xanh, bà Vũ Mỵ Lương, vợ nhà văn Vũ Trọng Phụng đã ở vậy, lần hồi
nuôi con, nuôi mẹ chồng. Bà Lương người ngay làng Giáp Nhất, là con gái
nhà giàu, danh giá xinh đẹp nhưng đã chấp nhận làm vợ một anh nhà
văn nghèo, cả đời bươn chải trong kiếp ở nhà thuê.
Năm 1956, chàng trai
trẻ Nghiêm Xuân Sơn về làm rể nhà văn, bắt đầu chặng đường dài toan
lo cho đại gia đình vợ. Giai đoạn ấy, mẹ đẻ của nhà văn vẫn còn mạnh
khỏe, vui sống cùng con dâu, cháu nội, cháu rể và các chắt.
Ông Nghiêm Xuân Sơn nhớ lại, một người con trai của ông ngay lúc còn
nhỏ xíu, bị bệnh nặng đã trút hơi thở cuối cùng ngay trên tay cụ nội.
Năm 1964, đến lượt cụ bà mẹ đẻ nhà văn qua đời. 12 năm sau, năm
1976, bà Vũ Mỵ Lương, vợ nhà văn tìm về đoàn tụ bên chồng sau hơn 30
năm âm dương cách biệt.
Ông Nghiêm Xuân Sơn
đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm, sau học thêm bằng kế toán rồi về làm
việc bên Tổng cục Đường sắt. Bà Vũ Mỵ Hằng ở nhà đan len, xoay trở
chăm con, chăm chồng. Ông Sơn bảo khu đất mà ông đang ở cùng các con
rể và cháu ngoại, có mộ phần Vũ Trọng Phụng nguyên là của gia đình vợ nhà
văn, sau này được ông Sơn đứng ra mua thêm rồi một tay xây sửa.
Dù không có dính líu
gì tới văn chương, nhưng ông Nghiêm Xuân Sơn đã sớm ý thức được tầm
vóc lừng lững và gia tài vô giá của bố vợ trong chốn văn chương.
Công việc sưu tầm các hiện vật liên quan đến Vũ Trọng Phụng đã được
vợ chồng ông Sơn, bà Hằng thực hiện từ sớm. Do hoàn cảnh khách quan, nhiều lần
phần mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng phải di dời, chuyển chỗ, cho đến năm 1983, vợ chồng
ông Sơn đã đưa ra một quyết định táo bạo: Chuyển mộ phần nhà văn về
an táng tại khu đất của nhà ở ngay làng Giáp Nhất. Trước đó, khi
nghĩa trang Thanh Xuân bị giải tỏa, xây dựng khu công nghiệp Cao,
Xà, Lá, ông Sơn đưa mộ phần bố vợ về mảnh ruộng của dòng họ trên
cánh đồng làng. Cánh đồng bị đánh bom, xơ xác, nhà văn lại được con
cháu đưa về nghĩa trang Quán Dền.
Cuối cùng, khi nghĩa
trang Quán Dền cũng bị thu hồi đất để xây cống thoát nước, mà ông
Sơn hồi ức, đấy chính là khu vực đường Lê Văn Lương ngày nay, vợ chồng
ông xin ý kiến Hội Nhà văn Việt Nam, chuyển mộ phần cha về ngay khu
đất đai hương hỏa của gia đình để tiện chăm nom.
Trên diện tích chừng
300m2, ông Nghiêm Xuân Sơn xây dựng nên một khu tưởng niệm
riêng biệt, độc đáo, ấm cúng, thanh bình cho bố vợ và những người gần
gũi, thân yêu nhất của nhà văn. Mộ phần nhà văn đã trở thành địa chỉ
giàu ý nghĩa với người dân làng Giáp Nhất, với những người yêu mến văn
chương, độc giả say mê tác phẩm của Vũ Trọng Phụng và cả nhiều thế hệ
sinh viên, nghiên cứu sinh văn khoa các trường đại học.
Cảm kích trước sự tận
tâm, chu đáo của vợ chồng con gái, con rể Vũ Trọng Phụng, nhà phê
bình - GS-NGND Hoàng Thiếu Sơn trong một bài viết đọc trước mộ phần
nhà văn đã tha thiết: "Từ ngày ấy không còn mong được đọc
gì thêm của Vũ Trọng Phụng nữa, chúng ta chỉ còn mỗi một ước mong:
Vũ Trọng Phụng có được một mộ phần xứng đáng với cống hiến của mình
cho quốc văn và cho dân tộc, để những kẻ hậu sinh được đến thăm viếng,
tưởng niệm và tri ân. Ước mong ấy mọi người giữ mãi trong lòng, cả
trong những năm tháng tối tăm mà bóng đen ngột ngạt đè lên toàn bộ sự
nghiệp của Vũ Trọng Phụng. Cuối cùng ngày 1/5/1988, Vũ Trọng Phụng
đã trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình (thôn Giáp Nhất, xã
Nhân Chính, huyện Từ Liêm, Hà Nội), nơi mình đã sống phần lớn cuộc đời
thật ngắn để viết ra những tác phẩm thật dài, đã sống và còn sống rất
lâu dài, sống mãi mãi trên đất nước chúng ta. Có thể tìm đâu cho Vũ
Trọng Phụng một mộ phần tốt hơn cái phần đất làng Mọc này".
Nhà phê bình Hoàng
Thiếu Sơn khẳng định: "Sở dĩ phần mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng
cùng cụ thân mẫu và người bạn đời của mình đã hoàn thành là do bao
công sức, sự hy sinh tận tụy của chị Vũ Mỵ Hằng, con gái nhà văn và chồng là
anh Nghiêm Xuân Sơn. Đây không chỉ là việc làm riêng cho gia đình để thỏa lòng
mong mỏi của con cháu, mà còn làm cho cả xã hội, để đáp lại nguyện vọng của bao
nhiêu người xưa nay ngưỡng mộ nhà văn".
Bà Vũ Mỵ Hằng, giọt
máu duy nhất mà nhà văn Vũ Trọng Phụng để lại cõi trần gian cũng qua
đời năm 1996. Từ ngày vợ mất, ông Nghiêm Xuân Sơn đã từ TP HCM trở
ra, ở hẳn Giáp Nhất để tiện bề coi sóc trông nom mộ phần những người
thân. Khu tưởng niệm gồm cả phần mộ của nhà văn Vũ Trọng Phụng luôn sạch sẽ,
khang trang và tạo một cảm giác ấm áp vì luôn được gần bên cháu con, luôn
có tiếng người vào ra thăm viếng.
Cả đời lo cho gia
đình vợ, đến giờ này, nguyện vọng duy nhất của ông Sơn chỉ là, được
Nhà nước công nhận, xếp hạng khu tưởng niệm và mộ phần nhà văn Vũ Trọng
Phụng, để ông được đường hoàng gắn vào đó 3 chữ "Cấm vi phạm":
"Đất đai giờ là toàn đất vàng, đất kim cương, lúc này cháu con tôi
đang ngoan, đang tử tế. Biết đâu sau này đến lúc tôi nằm xuống,
chúng nó lại đổi ý, muốn bán khu đất này thì sao. Tôi giữ là giữ cho
con cháu, giữ cho Nhà nước, giữ lại một địa chỉ văn hóa giàu tâm tưởng
trong lòng người. Vậy nên, tôi chỉ xin Nhà nước cho 3 chữ "Cấm
vi phạm”.
Nguồn: An Ninh Thế
Giới số ra ngày thứ bảy 10-11-2012