Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012



GS. Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh và Công  nghệ Hà Nội

I- Công lập và trường ngoài công lập
Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng (1954), trải qua 3 năm khôi phục kinh tế (1955 - 1957) và 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa (1958 - 1960), miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình nào? Vào thời điểm đó, không có mô hình nào khác ngoài mô hình "chủ nghĩa xã hội xô - viết". Mô hình này đã từng được Hội nghị các Đảng cộng sản và công nhân quốc tế (năm 1957 và năm 1960) xác nhận là mô hình mẫu mực của chủ nghĩa xã hội.
Theo mô hình chủ nghĩa xã hội xô - viết thì Nhà nước xã hội chủ nghĩa - Nhà nước của dân và vì dân - có trách nhiệm phải chăm lo cho dân mọi nhu cầu, kể từ cái ăn, cái mặc, công ăn việc làm, cho đến việc học hành, chữa bệnh. Căn cứ vào mô hình đó, mọi loại hình trường tư thục đã từng tồn tại trước đó ở miền Bắc nước ta đều phải chuyển thành trường công lập. Trường công lập trở thành hình thái duy nhất của hệ thống giáo dục quốc dân.
Nhưng chỉ qua 2 thập kỷ, hệ tư tưởng bao cấp đã vấp phải sự bất cập về nguồn lực, mô hình chủ nghĩa xã hội xô viết tỏ ra thiếu sức sống vì đã triệt tiêu động lực quan trọng nhất của sự phát triển - động lực tiềm ẩn trong hoạt động sáng tạo của hàng triệu triệu tư nhân.
Trong quá trình đổi mới quản lý kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã từng bước chuyển sang chính sách kinh tế nhiều thành phần, thực chất là lùi lại nền kinh tế nhiều thành phần đã từng tồn tại trước thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa.
Chính sách kinh tế nhiều thành phần đã mở ra triển vọng phát triển cho các trường ngoài công lập, bởi nó cho phép thu hút vốn đầu tư và nhân lực từ nhiều tầng lớp xã hội để mở trường. Từ đầu những năm 90 của Thế kỷ trước, do nhu cầu ngày càng cao của nhân dân về giáo dục đào tạo trong khi nguồn ngân sách Nhà nước không đủ đáp ứng, hệ thống các trường ngoài công lập đã trở thành một lực lượng ngày càng quan trọng bên cạnh hệ thống các trường công lập.
Xét theo tiêu chí ai là người bỏ vốn đầu tư để thành lập trường ngoài công lập thì các trường này gồm 2 loại:
- Loại thứ nhất là các trường do các tổ chức xã hội nghề nghiệp thành lập và cấp vốn hoạt động. Các trường này không phải là trường công lập, cũng không phải là trường của tư nhân. Nó được gọi là trường dân lập. Những trường do các doanh nghiệp thành lập và cấp vốn hoạt động cũng có thể liệt kê vào loại này.
- Loại thứ hai là các trường do một người hoặc một nhóm người bỏ vốn thành lập. Đó là trường tư thục. Loại này hiện chiếm phần lớn nhất trong số các trường ngoài công lập.
Đến lượt các trường tư thục, lại có thể phân thành 2 loại, xét theo tiêu chí lợi nhuận và phi lợi nhuận:
- Loại thứ nhất là những trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận. Loại trường này có thể do một người hoặc một gia đình thành lập và thu lợi, nó giống như một doanh nghiệp tư nhân.
Loại trường này cũng có thể do một nhóm người thành lập và thu lợi. Trong trường hợp này, nó giống như một công ty trách nhiệm hữu hạn.
Theo chính sách Nhà nước thì loại trường theo đuổi mục tiêu lợi nhuận phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trước khi chia lãi cho nhà đầu tư.
Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các trường này được quy định bằng 10 % lợi nhuận, nghĩa là đã có phần ưu đãi so với mức thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho các doanh nghiệp nói chung là 25% lợi nhuận.
- Loại thứ hai là loại trường phi lợi nhuận. Loại trường này nếu có "lợi nhuận" thì không đem chia cho người góp vốn, mà được dùng để tái đầu tư vào sự nghiệp giáo dục đào tạo.
Theo chính sách Nhà nước thì loại trường này không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
II. Sự lựa chọn của trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội
Trường đại học dân lập Quản lý và Kinh doanh Hà nội (nay là Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà nội) được thành lập năm 1996. Hồi đó, các trường ngoài công lập đều được gọi là trường dân lập. Chỉ đến năm 2005, khái niệm "tư thục" mới được chính thức thừa nhận qua việc ban hành Quy chế trường đại học tư thục.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, Trường chúng tôi đã được xây dựng theo mô hình tư thục: toàn bộ nguồn vốn hoạt động của Trường đều hình thành từ vốn góp của tư nhân - các thành viên sáng lập, các cán bộ, nhân viên, giảng viên và cộng tác viên của Trường.
Khái niệm tư thục chỉ nói lên nguồn vốn hoạt động của Trường do tư nhân góp lại mà thành. Còn một loạt sự lựa chọn khác gắn liền với mô hình này. Những lựa chọn quan trọng nhất của Trường chúng tôi là như sau:
1. Có chủ hay vô chủ?
Từ kinh nghiệm quản lý các cơ sở quốc doanh - về danh nghĩa thì có chủ mà trên thực tế thì dường như là vô chủ - những người sáng lập Trường khẳng định một nguyên tắc: Trường phải có chủ
* Dựa vào tiêu chí nào để xác lập vị thế người chủ của Trường? Có ý kiến cho rằng cả vốn góp và lao động đều là tiêu chí để xác lập vị thế người chủ. Về lý thuyết thì có thể chấp nhận như vậy. Nhưng đi sâu hơn thì thấy rằng lao động là tiêu chí rất khó lượng định. Một giáo sư và một kỹ thuật viên sơ cấp thì lượng định lao động đóng góp của mỗi người như thế nào? Mỗi người phải lao động không lương cho trường bao nhiêu thời gian thì được xem là góp vốn bằng lao động? Do tính chất phức tạp của việc góp vốn bằng lao động, ý tưởng này đã bị gạt bỏ. Chỉ còn lại tiêu chí góp vốn bằng tiền. Mức góp tối thiểu để trở thành "cổ đông" được ấn định là 10 triệu đồng, tương đương 1.000USD vào thời điểm năm 1996. Không khống chế mức góp tối đa, vì Trường lúc nào cũng có nhu cầu lớn về vốn đầu tư.
* Sau 5 năm hoạt động, nguồn thu học phí của Trường đã đủ để trang trải các chi phí thường xuyên. Lúc này, nảy sinh ý kiến nên trả lại vốn góp cho các cổ đông. Ý kiến này không được chấp nhận, bởi 2 lẽ: (1) nếu mọi cổ đông đều rút vốn thì còn ai là chủ của Trường? Một trường vô chủ thì nguy cơ rối loạn là khó tránh khỏi. (2) Mặt khác, nhu cầu về vốn đầu tư vẫn rất lớn, nếu Trường muốn tạo dựng cơ nghiệp của riêng mình, đặc biệt là về trường sở.
* Khi số lượng cổ đông của Trường lên đến hàng trăm, lại nảy sinh ý kiến cần hạn chế bớt số lượng cổ đông làm cho việc điều hành gọn nhẹ hơn. Ý kiến này không nhận được sự đồng tình của một số cổ đông. Mặt khác, một trường đại học muốn trường tồn thì phải gồm nhiều thế hệ cổ đông, thế hệ này qua đi thì phải có thế hệ khác tiếp nối. Tính đến cuối năm 2010, số lượng cổ đông của Trường đã lên đến 774 người, số vốn góp đã lên đến 75 tỷ đồng.
2. Vì mục tiêu lợi nhuận hay là phi lợi nhuận?
* Nếu người góp vốn được chia lãi cuối năm thì việc góp vốn đương nhiên là có sức hấp dẫn cao. Tuy nhiên, điều bất lợi cũng rất lớn. Trong tình hình  mặt bằng học phí của nước ta rất thấp, tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nếu phải chia lợi nhuận cho người góp vốn thì chẳng còn lại bao nhiêu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo!
* Nếu là trường phi lợi nhuận thì những người góp vốn có được lợi ích gì? Họ nhận được một lãi suất cố định giống như lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thương mại, có phần nhỉnh hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm (lãi suất này được giữ ổn định từ ngày thành lập Trường đến nay là 1,2%/ tháng). Con số 75 tỷ đồng vốn góp đủ nói lên tính hấp dẫn của việc góp vốn theo điều kiện đó. Lãi suất trả cho người góp vốn không phải là phân phối lợi nhuận sau một năm kinh doanh. Nó được hạch toán vào chi phí, giống như lãi suất trả cho ngân hàng khi phải vay vốn của ngân hàng.
* Đối với một trường phi lợi nhuận thì thực ra không có khái niệm lợi nhuận, chỉ có khái niệm "chênh lệch thu chi". Chênh lệch thu chi, nếu dương, thì được sử dụng vào các mục tiêu sau:
- Nâng cao chất lượng đào tạo
- Cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên
- Cải thiện điều kiện làm việc và thù lao cho cán bộ nhân viên và giảng viên
- Dành một phần tích luỹ để từng bước hình thành quỹ phát triển của Trường, quỹ này chủ yếu dùng để xây dựng trường sở.
Như vậy, nguyên tắc phi lợi nhuận bảo đảm được sự hài hoà của 4 lợi ích:
- Lợi ích của người góp vốn
- Lợi ích của sinh viên
- Lợi ích của cán bộ nhân viên và giảng viên
- Lợi ích lâu dài của Trường.
Nếu chỉ một chiều bảo đảm lợi ích của người góp vốn (chia lợi nhuận) thì khó lòng bảo đảm được một cách thoả đáng các lợi ích khác.
3. Dân chủ và Tập trung dân chủ
Khi số lượng người chủ của Trường (tức cổ đông) lên tới hàng chục và hàng trăm người thì vấn đề tổ chức nổi lên hàng đầu. Tổ chức như thế nào để mọi người thấy được vị trí làm chủ của mình, tránh được tình trạng thâu tóm quyền lực vào tay một người hoặc một số người, hoặc ngược lại, tình trạng "nhiều sãi không ai đóng cửa chùa"? Để giải quyết vấn đề này, phải thực thi nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ là 2 nguyên tắc đã trở thành thành quả chung của loài người.
* Trước hết nói về dân chủ. Ai có quyền quyết định công việc của nhà trường? Có ý kiến cho rằng quyền quyết định phải trao vào tay những người có số vốn góp lớn nhất. Ý kiến phản bác lại thì cho rằng: thành công của một trường đại học không phụ thuộc vào số vốn góp lớn, mà phụ thuộc vào trí tuệ. Một số người có vốn góp lớn nhưng trí tuệ thì lại không cao. Trong khi đó thì một số người chỉ có vốn góp ở mức tối thiểu, nhưng năng lực trí tuệ thì lại có thể đóng góp nhiều vào sự thành công của Trường. Lựa chọn thứ hai đã được chấp nhận. Vì vậy, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Trường quy định: "Mỗi cổ đông có một phiếu biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông, không phụ thuộc vào số vốn góp nhiều hay ít".
* Nguyên tắc dân chủ phải được thực thi ở mọi cấp độ tổ chức của Trường: Tổ bộ môn, Khoa , Phòng, Ban Giám hiệu, Hội đồng quản trị, Đại hội đồng cổ đông. Mọi vấn đề phải được bàn bạc dân chủ trước khi đi đến quyết định - hoặc quyết định bằng đồng thuận, hoặc quyết định bằng đa số, hoặc quyết định bằng cấp có thẩm quyền cao nhất. Những ý kiến thiểu số cần được bảo lưu, vì lúc này không được chấp nhận nhưng lúc khác có thể được chấp nhận. Không khí dân chủ phải bao trùm  mọi hoạt động của Trường, mọi tổ chức của Trường, để mọi người đều cảm nhận được mình là chủ tập thể của Trường. Những hiện tượng độc đoán, trù úm phải được kịp thời xử lý. Nguyên tắc dân chủ phải được thực thi ngay cả đối với sinh viên: Trường chúng tôi tôn trọng quyền chọn ngành học của sinh viên, miễn là sinh viên đủ điểm vào đại học hay cao đẳng theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo.
* Một tổ chức có nhiều người làm chủ, muốn tránh rối loạn, phải thực thi nguyên tắc tập trung dân chủ - tập trung trên cơ sở dân chủ của các cổ đông: Đại hội đồng cổ đông bầu ra Hội đồng quản trị, Hội đồng quản trị cử ra Ban Giám hiệu để điều hành các hoạt động hàng ngày của Trường. Ban Giám hiệu cũng là cơ quan chuẩn bị các đề án trình ra Hội đồng quản trị, và với chức năng đó, nó đóng vai trò như cơ quan thường trực của Hội đồng quản trị. Mọi quyết định quan trọng của Trường, kể cả những quyết định về nhân sự chủ chốt, đều phải thông qua Hội đồng Quản trị.
* Trong Quy chế trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, không thấy quy định "Hội đồng trường" trong cơ cấu tổ chức của trường đại học tư thục, chỉ quy định Hội đồng quản trị gồm tối đa 7 người. Với số lượng 7 người thì không đủ đại diện cho các ngành học, các Khoa, các Phòng của Trường. Điều này không thuận lợi cho việc quyết định của Hội đồng quản trị khi đề cập đến những vấn đề chiến lược phát triển của Trường cũng như những vấn đề tài chính phân phối liên quan đến lợi ích của mọi người trong Trường.
Vì vậy, Trường chúng tôi đã mở rộng thành phần của Hội đồng quản trị để Hội đồng này kiêm luôn cả chức năng "Hội đồng trường". Những thành viên vượt con số 7 người được gọi là uỷ viên dự khuyết. Mở rộng thành phần của Hội đồng quản trị như vậy cũng có nghĩa là mở rộng dân chủ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt của Trường.
4. Tài chính và phân phối
Tài chính và phân phối là yếu tố dễ gây mất đoàn kết nhất trong một tổ chức. Trường đại học tư thục càng phải quan tâm xử lý đúng vấn đề này.
* Trường đại học có nhiều ngành học, nhiều bậc học, nhiều hình thức đào tạo, mỗi thứ có nguồn thu khác nhau, nhu cầu chi khác nhau, do đó mà "tỷ suất doanh lợi" khác nhau. Những ngành học có tỷ suất doanh lợi tương đối cao thì thường có khuynh hướng "ăn chia" riêng. Điều này sẽ dẫn đến sự suy tỵ giữa các bộ phận, đó là mầm mống làm cho tổ chức tan rã. Cần nhận thức rằng sức mạnh của trường đại học, sự thành công của trường đại học nằm ở hệ thống phân công lao động hợp lý và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Khoa, các Phòng. Tách rời giữa các Khoa, các Phòng thì không thành được trường đại học, không đào tạo nổi một sinh viên
Để đảm bảo tính thống nhất của tổ chức, phải thực thi nguyên tắc thống nhất thu chi tài chính trong toàn Trường, thống nhất tiêu chuẩn phân phối trong toàn Trường, không chấp nhận hạch toán độc lập theo từng ngành học, từng hình thức đào tạo.
Nhiệm vụ quan trọng của Ban Giám hiệu và Hội đồng quản trị là phải xác định các chuẩn mực thu, các chuẩn mực chi, các tiêu chuẩn phân phối, bao gồm hệ thống lương và thù lao giảng dạy, nội dung thưởng và mức thưởng, đồng thời cũng phải dành một tỷ lệ thoả đáng nhằm khuyến khích vật chất đối với những công việc đòi hỏi tính năng động sáng tạo của cán bộ nhân viên.
Nguyên tắc phân phối phải là "phân phối theo lao động", tức là phân phối căn cứ vào chất lượng và số lượng lao động thực tế cống hiến của mỗi người, không máy móc căn cứ vào chức vụ hoặc học hàm học vị.
* Về tài chính, tuy là một trường phi lợi nhuận, vẫn phải quản lý như một doanh nghiệp. Phải cân nhắc từng khoản thu, từng khoản chi, bảo đảm ít nhất cân bằng thu chi trong từng thời kỳ, nếu chưa có tích luỹ thì cũng phải có dự phòng. Trường tư thục mà lỗ vốn thì chỉ có việc phá sản, chẳng ai cứu được mình.
Trong những năm đầu thành lập, tài chính của Trường luôn luôn căng thẳng là điều dễ hiểu, vì nguồn thu học phí còn hạn hẹp mà nhu cầu mua sắm trang thiết bị dạy và học thì lớn. Khả năng tích luỹ chỉ từng bước xuất hiện sau 5 - 10 năm. Phải tuỳ khả năng tích luỹ mà đáp ứng từng bước các nhu cầu.
Nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo có thể xem là vô hạn. Chỉ có thể đáp ứng từng bước, tuỳ theo khả năng tích luỹ của Trường.
Nhu cầu cải thiện điều kiện học tập cho sinh viên, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ nhân viên và giảng viên, cải thiện chế độ tiền lương và thù lao giảng dạy cũng có thể xem là vô hạn. Phải căn cứ vào khả năng tích luỹ của Trường mà đáp ứng từng bước.
* Việc xây dựng trường sở là một nhu cầu lớn và là một mục tiêu dài hạn. Nguồn vốn để thực hiện mục tiêu này chủ yếu dựa vào vốn góp của cổ đông, chỉ một phần dựa vào tích luỹ của Trường. Ngay từ Hội nghị lần thứ nhất của Đại hội đồng cổ đông (năm 1997), các thành viên sáng lập Trường đã xác định:
Trong điều kiện mặt bằng học phí rất thấp của nước ta (học phí chỉ đủ trang trải chi phí đào tạo ở mức rất hạn hẹp) thì không thể coi giáo dục là một lĩnh vực kinh doanh. Nếu tìm kiếm lợi nhuận từ giáo dục thì không tránh khỏi phải hạ thấp chất lượng giáo dục xuống.
Tuy nhiên, các thành viên sáng lập Trường cũng nhìn thấy ở giáo dục một cơ hội kinh doanh. Đó là "kinh doanh bất động sản".
Trong học phí của sinh viên bao giờ cũng có một bộ phận dành cho chi phí về trường sở (thuê hoặc khấu hao), bộ phận đó bằng khoảng 20% học phí. Nếu cổ đông xây dựng được trường sở bằng vốn góp của mình để phục vụ sinh viên thì bộ phận học phí đó đương nhiên thuộc về cổ đông. Trường chúng tôi trả lãi vốn góp của cổ đông chính là bằng bộ phận học phí đó. Tiền lãi trả cho vốn góp của cổ đông về thực chất là tiền cho thuê trường sở mà cổ đông đã bỏ vốn để xây dựng lên.
Về phía sinh viên, nếu gọi đó là tiền thuê trường sở thì tiền thuê này được tính với giá tương đối rẻ, thấp hơn nhiều so với giá thuê từ những người kinh doanh bất động sản. Từ khi Trường chúng tôi xây được trường sở khang trang, thoáng mát (20.000m2 sàn), thì khoản chi phí về trường sở hạ xuống, chỉ còn bằng khoảng 15% học phí, so với 20% trước đây, khi phải đi thuê.
KẾT LUẬN
Với những đặc trưng nêu trên, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không phải là một công ty trách nhiệm hữu hạn, cũng không phải là một công ty cổ phần, mà là một tổ chức hợp tác (hay hợp tác xã) của những người lao động (nòng cốt là những người lao động trí óc), tự nguyện góp sức góp vốn để xây dựng và phát triển Trường bền vững, vì sứ mệnh trồng người, không vì mục tiêu lợi nhuận. Nguyên tắc phi lợi nhuận bảo đảm được sự hài hoà của 4 lợi ích: Lợi ích của người góp vốn, lợi ích của sinh viên, lợi ích của cán bộ, nhân viên và giảng viên làm việc cho Trường, và lợi ích lâu dài của Trường.
Trường chúng tôi là một trường có chủ. Những người chủ của Trường được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ và tập trung dân chủ, vừa bảo đảm được tính dân chủ rộng rãi, vừa bảo đảm được quyền lực và kỷ cương trong quản lý. Sự đoàn kết thống nhất của các cổ đông, của các cán bộ nhân viên và giảng viên toàn trường nhờ đó mà được bảo đảm.
Với đặc trưng "hợp tác xã" và phi lợi nhuận, Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà nội không thuộc phạm trù "kinh tế tư nhân", mà thuộc phạm trù "kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa". Tiền đồ phát triển của nó gắn liền với định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Khác với các cơ sở kinh doanh - nay thịnh mai suy, nay hợp mai tan - các trường tư thục phi lợi nhuận có khả năng trường tồn cùng xã hội. Đó là điều đã thấy ở châu Âu và Mỹ. Có những trường thành lập cách đây 7 - 8 trăm năm mà nay vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển (Cambridge năm 1284, Oxford năm 1163, Harvard năm 1636). Kinh nghiệm thành công của họ đáng để cho chúng ta suy ngẫm./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét